Sinh đôi được coi là điềm lành ở Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng mang lại không ít mối nguy tiềm ẩn cho sản phụ lẫn thai nhi.
Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc mong muốn sinh đôi và tìm kiếm các phòng khám sẵn sàng giúp họ làm điều đó.
Khi Tang Xiaohua phát hiện mình đang mang thai đôi, cô đã rất vui mừng. Người phụ nữ 35 tuổi cảm thấy cô đã nhận được một món quà từ các vị thần sau 2 lần sảy thai trước đó.
Nhưng niềm vui của Tang chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. 15 tuần sau khi có kết quả, bác sĩ chẩn đoán cô mắc hội chứng truyền máu song sinh (TTTS), một tình trạng hiếm gặp xảy ra ngẫu nhiên ở khoảng 15-30% trường hợp mang song thai giống hệt nhau.
Nếu không can thiệp kịp thời, cơ hội sống sót của em bé gần như bằng 0. Việc tiếp cận điều trị ở Trung Quốc không hề dễ dàng, theo Sixth Tone.
Rủi ro
ỞQingyang, quê hương của Tang tại tỉnh Cam Túc, không có bác sĩ sản khoa địa phương nào được đào tạo để xử lý một ca phức tạp như vậy. Tang đã đi hơn 250 km đến Tây An để tham khảo ý kiến của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhưng ở đó mọi thứ chỉ tốt hơn một chút.
Nằm trên giường bệnh, Tang lặng lẽ chứng kiến hàng chục nhân viên y tế kiểm tra siêu âm cho mình. Cuối cùng, Tang được thông báo có thể cứu được cặp song sinh thông qua phẫu thuật laser nội soi thai nhi.
Trên thực tế, nếu không xử lý đúng cách, đứa trẻ thiếu máu có khả năng bị suy nội tạng, trong khi em bé còn lại có nguy cơ đối mặt với biến chứng tim. Phương pháp này sẽ mang lại tỷ lệ sống sót đến 90%.
Tuy nhiên, không ai trong số các bác sĩ có mặt có khả năng thực hiện một ca phẫu thuật phức tạp như vậy. Thay vào đó, họ đề nghị Tang phá thai. Trái tim cô thắt lại khi nhận ra rằng mình sắp mất đi những đứa con chưa chào đời một lần nữa.
Nhiều phụ huynh có tâm lý sinh 2 con cùng lúc sẽ đỡ vất vả hơn việc mang thai từng bé một. Ảnh: iStock.
“Tôi không biết làm thế nào để chịu đựng cảm giác khi họ rời đi. Những lời của họ cứ lặp đi lặp lại trong đầu, tôi không thể kìm được nước mắt trong bệnh viện. Tôi thấy điều đó như là ngõ cụt cho những sinh mạng bé nhỏ này”, Tang chia sẻ.
Tại đất nước tỷ dân, nhiều người tin rằng gia đình nào có được một cặp song sinh là điềm lành và điều kỳ diệu. Việc mang song thai của những người nổi tiếng hoặc các bộ phim truyền hình, điện ảnh có nhân vật sinh đôi thường thu hút sự chú ý.
Bên cạnh đó, các trường hợp này còn được cho là đáng ghen tị sau hàng thập kỷ Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách một con.
Ngày nay, phụ nữ xứ Trung có nhiều khả năng sinh đôi hơn bao giờ hết. Đa thai đã gia tăng kể từ khi các công nghệ hỗ trợ sinh sản phát triển. Nhờ vậy, nhiều phòng khám đã giúp không ít cặp vợ chồng nhận được “hạnh phúc và phước lành nhân đôi”.
Không được chữa trị
Tỷ lệ song thai cũng tăng lên do sinh con muộn, làm tăng khả năng mang đa thai do nồng độ một số hormone nhất định cao hơn.
Thế nhưng, tình trạng này cũng mang đến những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Chẳng hạn, em bé có thể bị sinh non, dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài. Trong khi đó, các bà mẹ có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao và thậm chí tử vong cao hơn.
Dù vậy, rất ít người ở đất nước đông dân thứ 2 thế giới hiểu được những mối nguy hiểm này.
Trong một cuộc khảo sát với khoảng 3.800 người do Bệnh viện Phụ sản và Trẻ sơ sinh số 1 Thượng Hải thực hiện vào năm 2015, 90% số người được hỏi cho biết việc sinh đôi là ngẫu nhiên và không nhận thức được những rủi ro.
3/4 tin rằng mối nguy tiềm ẩn không khác gì khi có bầu một con. Chỉ có 3% từng nghe nói đến các biến chứng nặng hơn như TTTS.
Khi những căn bệnh hiếm gặp xảy ra, nhiều gia đình phải vật lộn để tiếp cận dịch vụ chăm sóc chuyên môn cao cần thiết để cứu thai nhi. Không ít người, giống như Tang, được khuyên nên phá thai với hy vọng lần mang bầu tiếp theo sẽ khỏe mạnh.
“Với những tiến bộ trong y học bào thai, TTTS không có nghĩa là trẻ sơ sinh phải chịu án tử nữa. Các thai nhi cũng nên được xem như bệnh nhân. Chúng chỉ là những đứa trẻ ốm yếu sống trong bụng mẹ, cần được chữa trị”, Sun Luming, trưởng khoa nhi, nói với Sixth Tone.
Bác sĩ Sun Luming (trái) tiến hành phẫu thuật laser nội soi cùng với đội ngũ của mình để điều trị TTTS. Ảnh: Sixth Tone.
Trước khi thành lập phòng khám Thượng Hải, các bà mẹ phải đến Hong Kong để được điều trị TTTS và những biến chứng khác. Thậm chí ngày nay, chỉ những bệnh viện hàng đầu ở Thượng Hải, Bắc Kinh và một số tỉnh thành mới có khoa thai nhi.
Khi Tang đến Thượng Hải, Sun trấn an cô rằng tình hình của cô không xấu đi đến mức phải phá thai. Vị bác sĩ đề nghị một cách làm thận trọng hơn để loại bỏ nước ối dư thừa.
“Lúc đầu, hai lít chất lỏng được lấy ra từ tử cung của tôi. Nhưng sau đó, tình hình tồi tệ trở lại và tôi phải trải qua phương pháp thứ hai để loại bỏ thêm 1,5 lít”, Tang kể.
Cuối cùng, ước nguyện của Tang và toàn bộ ekip đã được đền đáp. 9 tuần sau, 2 cô con gái của Tang chào đời. Cô đặt tên cho cả 2 là Tang Guo và Tang Dou (biệt danh: Candy và Sweet Bean), với hy vọng rằng chúng sẽ không bao giờ phải đối mặt với cay đắng nào trong cuộc sống.
Nhiều phụ nữ khác không may mắn được như Tang, có thể tiếp cận với y học hiện đại. Mặc dù ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này, Sun vẫn thấy khó khăn trong việc đào tạo các chuyên gia có kinh nghiệm hơn ở Trung Quốc.
“Bác sĩ y học thai nhi phải là bác sĩ đa khoa. Ngoài kiến thức sản khoa, họ phải nắm vững di truyền học, có kỹ năng lâm sàng phong phú, được đào tạo bài bản về siêu âm và có thể phẫu thuật tử cung thành thạo”, Sun nói.
Nguồn: Zingnews
Leave a comment