Sự khác biệt này được lý giải do trong quá trình tiếp nhận lịch Can – Chi, người Việt đã có sự biến đổi cho phù hợp với địa lý và văn hóa của mình.
Ở Việt Nam, mèo là con vật đại diện cho năm Mão. Ảnh: Wallpaper.
Theo lịch âm, năm mới 2023 là năm Quý Mão. Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, năm Mão đại diện bởi con thỏ, còn Việt Nam là quốc gia duy nhất có mèo là con giáp đại diện.
Nguồn gốc của 12 con giáp
Theo sách “12 con giáp trong văn hóa người Việt”, 12 con giáp có nguồn gốc từ lịch Can – Chi. Loại lịch này xuất hiện vào thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc. Theo đó, 12 con giáp gắn với Thập Nhị Chi.
Theo đó, người Trung Quốc xưa đã chọn ra 12 con vật gắn liền với đời sống hoặc được con người thuần dưỡng sớm nhất để đưa vào lịch Can – Chi, theo thứ tự: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn).
Còn trong văn hóa Việt Nam, theo sách “Chuyện Đông, Chuyện Tây” của tác giả An Chi, “con giáp” là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ.
Mèo và Thỏ đều là con giáp thứ 4 trong lịch Can – Chi ở Việt Nam và Trung Quốc.
Con giáp là chu kỳ 12 năm âm lịch, gọi từ tên của 12 địa chi, từ Tý đến Hợi, cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm cho đến năm cuối cùng một chi với nó sau đó 12 năm.
Trong phương ngữ Bắc Bộ, “giáp” thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành chi kỳ 12 năm như hiện nay.
Khác biệt của 12 con giáp trong văn hóa của Việt Nam chính là con mèo được dùng thay thế cho con thỏ.
Vì sao năm Mão ở Việt Nam là con mèo?
Có nhiều lý giải khác nhau về việc trong văn hóa Việt, mèo là con vật đại diện cho năm mão.
Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về dấu, nhưng về ngữ âm thì “mèo” (măo) và mèo (máo) có cách đọc giống nhau, đều là mao. Trong “Việt Nam tự điển”, chữ “mão” – nghĩa là con thỏ – lại được dùng để chỉ con mèo.
Sim Sang – Joon, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hoá Việt – Hàn, cũng giải thích rằng mèo tuy không phải loài vật nằm trong Thập Nhị Chi nhưng lại được ghi âm chữ Hán giống với con thỏ (máo – âm Hán Việt là miêu).
Mèo là con vật thân thuộc trong đời sống người dân Việt Nam. Ảnh: Kelvin Valerio/Pexels.
Dù đã tiếp thu Thập Nhị chi (12 con giáp) của Trung Quốc, song có lẽ do yếu tố môi trường tự nhiên này nên người Việt đã không tiếp thu y nguyên mô hình ở Trung Quốc mà biến cải cho phù hợp với môi trường sống của mình.
Ở Việt Nam, điều kiện môi trường thuận lợi cho loài mèo phát triển mạnh hơn hẳn thỏ. Vì Việt Nam là văn hóa thảo mộc chứ không phải văn hoá thảo nguyên.
Nếu thảo nguyên là môi trường có những đồng cỏ mềm mượt, mà các loài động vật có thể thoả sức ăn thành từng bầy đàn, thảo mộc lại là môi trường phong phú đa dạng các thảm thực vật đan xen lẫn nhau.
Mặt khác, ở Việt Nam, thỏ vốn không phổ biến và thân thuộc, chỉ được coi là loài hiền lành, dễ thương. Trong khi mèo được mệnh danh là “tiểu hổ” và gần gũi với đời sống các gia đình.
Mèo còn xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài hát… Mèo cũng có tài bắt chuột, giúp ích nhiều cho các gia đình, đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp.
Một lý giải khác cho rằng thay thế thỏ bằng mèo trong 12 con giáp đã được chấp thuận rộng rãi và hợp lý. Theo Reuters, thỏ là một loài gặm nhấm, chuột (Tí) cũng là loài gặm nhấm, trong khi 12 con giáp cần độc nhất và khác biệt.
Mèo còn tạo ra thế đối xứng với chó (Tuất). Theo thuyết âm dương, điều này tạo ra thế cân bằng, giúp giải quyết các mâu thuẫn, dung hòa các mặt đối lập và khiến vòng tròn hoàng đạo cân bằng hơn.
Nguồn: zingnews
Leave a comment