Báo Việt Luận – Nguyễn Trọng Hiếu hiện là giảng viên cao cấp ngành năng ượng điện mặt trời tại ĐH Quốc gia Úc vừa có những chia sẻ về cách để có công trình nghiên cứu chất lượng quốc tế.
“Tuổi trẻ tài cao”
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu (33 tuổi), hiện đang là nghiên cứu viên và giảng viên cao cấp ngành năng lượng điện mặt trời tại ĐH Quốc gia Úc (Australian National University – ANU).
Anh đã có 74 bài báo đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới như Nature Energy (impact factor IF 61), Science (IF 48), Energy & Environmental Science (IF 39), Advanced Materials (IF 31)… Trong đó, 8 bài được chọn làm trang bìa hoặc trang đầu của tạp chí. Ngoài ra, anh có 24 bài báo đăng trên hội nghị quốc tế chuyên ngành năng lượng mặt trời, 22 bài thuyết trình tại hội nghị quốc tế. Anh là trưởng và đồng trưởng của 8 dự án nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ của Úc.
Anh từng đạt danh hiệu “Xuất sắc trong hướng dẫn nghiên cứu” của hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính năm 2018 và nhiều lần được vinh danh các danh hiệu về giảng viên xuất sắc.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu cũng sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm về quang học tại ĐH Quốc gia Úc và nhận nhiều giải thưởng từ các công trình nghiên cứu tại Úc
Kinh nghiệm bài báo chất lượng quốc tế
Hiếu nhận định sinh viên VN có kiến thức đại cương cực kỳ tốt, không hề thua kém các sinh viên của các trường ĐH hàng đầu thế giới, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, kỹ năng tính toán và tư duy logic.
“Tuy nhiên, đa số các bạn còn hạn chế về khả năng thuyết trình, phản biện nhóm và viết báo cáo khoa học bằng tiếng Anh, cũng như khả năng tổng hợp các kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn tổng thể về một vấn đề khoa học. Điều này cũng dễ hiểu vì tiếng Anh thường không phải là điểm mạnh của các bạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên ở VN. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố rất quan trọng để các bạn tiến xa hơn, giữ các vị trí chủ chốt trong các dự án hợp tác quốc tế”, tiến sĩ Hiếu nhìn nhận.
Để có được bài báo trên tạp chí uy tín thế giới, theo tiến sĩ Hiếu, chất lượng bài báo là điều hiển nhiên và đầu tiên. “Tuy nhiên, nếu không chuyển tải được nội dung của công trình một cách dễ hiểu đến các nhà biên tập và phản biện thì rất có thể bạn sẽ thất bại ngay. Khi viết báo, tôi tập trung vào khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ khoa học, sự mạch lạc và liền mạch giữa các phần trong bài báo, và phần hình ảnh trong bài báo. Trên cương vị biên tập, tôi đọc 1 – 2 đoạn đầu tiên của bài báo, sau đó là các hình ảnh minh họa kết quả, chừng 10 phút là quyết định có nên cho bài báo này được tiếp tục bình duyệt hay không”, tiến sĩ Hiếu cho biết.
Còn trên cương vị nhà phản biện, tiến sĩ Hiếu thường tập trung vào các lời giải thích cho các kết quả thí nghiệm, xem có hợp lý và chính xác hay không. Tiến sĩ Hiếu hầu như chưa bao giờ bác bỏ bài báo chỉ vì khả năng tiếng Anh của tác giả, nhưng bài viết càng mạch lạc, rõ ràng, càng dễ hiểu, anh sẽ cho điểm cao.
Tiến sĩ Hiếu tâm sự về lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học: “Tôi luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Khi đã lựa chọn thì quyết tâm đi theo con đường mình mong muốn theo đuổi. Có một mục tiêu trước, sau đó đi từng bước một để chinh phục nó. Nếu như thành công chưa đến ngay thì cũng không nản chí, không bỏ cuộc”.
Thuỳ Hương – Báo Việt Luận
Leave a comment